Description
Trái với mong đợi của chính phủ Hà Nội và giới doanh nghiệp, Hiệp định Tự do Mậu dịch Việt Nam – Liên Hiệp Châu Âu ( EVFTA ) rất có thể không được phê chuẩn trước kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu vào tháng Năm tới và như vậy phải đợi đến năm 2020.
Vào đầu tháng 12/2015, Liên Hiệp Châu Âu ( EU ) và Việt Nam thông báo đã kết thúc các đợt đàm phán về hiệp định EVFTA. Nhưng đến tháng 5/2017, Tòa án Công lý Châu Âu ra ý kiến về thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định tự do mậu dịch của Liên Hiệp Châu Âu. Cụ thể, tòa án này phán quyết rằng các nội dung về đầu tư « không trực tiếp » của nước ngoài và cơ chế xử lý tranh chấp nhà đầu tư nhà nước sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của cả cấp EU và cấp quốc gia các nước thành viên (tức là nội dung này phải được cả Liên Hiệp Châu Âu và các quốc gia thành viên đồng ý mới có hiệu lực).
Để hiệp định có thể sớm hoàn tất, Ủy Ban Châu Âu bèn quyết định tách EVFTA thành hai hiệp định, một về thương mại và một về đầu tư. Đến tháng 07/2018, Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam đã đạt thỏa thuận về văn bản của hai hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – Liên Hiệp Châu Âu IPA.
Hai hiệp định nói trên sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp, công nhân và người tiêu dùng của cả Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam. Riêng đối với Việt Nam, trong vòng 10 năm tới, GDP được dự báo sẽ tăng thêm từ 10 đến 15% và xuất khẩu tăng từ 30 đến 40%. Đối với Liên Hiệp Châu Âu, EVFTA là hiệp định tự do mậu dịch toàn diện nhất và đầy tham vọng nhất mà khối này ký với một nước đang phát triển ở châu Á. Đây cũng là hiệp định tự do thương mại thứ hai mà Liên Hiệp Châu Âu ký với một nước ASEAN, sau Singapore.
Đến ngày 17/10/2018, Ủy Ban Châu Âu thông báo đã thông qua việc trình lên Hội Đồng Châu Âu chấp thuận hiệp định EVFTA, để dự kiến vào cuối năm 2018 sẽ ký chính thức Hiệp định này và trình Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn vào đầu năm 2019. Trên thực tế, đến ngày 12/11, hiệp định này mới được trình lên Hội Đồng Châu Âu.
Nhân quyền gây trắc trở?
Mọi chuyện tưởng là sẽ diễn ra suông sẻ theo kế hoạch nói trên, nhưng vấn đề nhân quyền đã phần nào gây rắc rối cho tiến trình phê chuẩn. Vào tháng 09/2018, 32 nghị viên của Nghị Viện Châu Âu đã ký thư ngỏ nêu các quan ngại nghiêm trọng của họ về tình trạng đàn áp nhân quyền đang tiếp diễn ở Việt Nam và kêu gọi chính quyền Hà Nội cải thiện hồ sơ nhân quyền trước khi hiệp định tự do thương mại được đưa ra bỏ phiếu. Cụ thể, họ yêu cầu Hà Nội phải thông qua các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và thả một số tù chính trị. Áp lực lên Việt Nam càng gia tăng sau khi vào tháng 11/2018, Nghị Viện Châu Âu thông qua một bản nghị quyết khẩn cấp về tình hình nhân quyền Việt Nam.
Theo trang mạng EUROPARL của Nghị Viện Châu Âu, trong cuộc điều trần vào tháng 10 năm ngoái, do Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị Viện Châu Âu tổ chức, đại diện của chính phủ Việt Nam cho biết là Hà Nội đã có kế hoạch phê chuẩn 3 công ước cơ bản của ILO và